Khi ca trù, nhạc thể nghiệm... ra đường

Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn
Cập nhật: 3/25/2012 - Số lượt đọc: 6408

Như đã thông tin trên TT&VH số vừa qua, Lễ hội nghệ thuật đường phố đã diễn ra hôm 3/11 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội. Với nhiều tiết mục hấp dẫn, nhưng về tổng thể thì chất đường phố lại chưa rõ nét. Mục "Góc nhìn của tôi" xin giới thiệu cách nhìn của tác giả Quỳnh Việt.

* Vui nhưng vẫn ngậm ngùi

Tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, nơi diễn ra Lễ hội, BTC dựng lên ba sân khấu nhỏ phủ bạt trắng, bên trong là bục, bệ trải thảm đỏ. Mỗi sân khấu cách nhau vài chục mét, vòng quanh nhà Lục giác. Một sân khấu dành cho hip-hop, một sân khấu dành cho nghệ thuật thể nghiệm, lọt giữa hai sân khấu này là sân khấu âm nhạc, múa truyền thống. Xa xa, là sân khấu xiếc và tượng người.

Để tham dự Liên hoan nghệ thuật này, danh cầm Nguyễn Phú Đẹ từ Hải Dương, Nghệ nhân Hà Thị Cầu (hát xẩm) từ Ninh Bình dù tuổi cao sức yếu cũng đã đến Hà Nội từ hôm trước để 9 giờ sáng hôm sau, hai cụ có mặt tại vườn hoa Lý Thái Tổ để chuẩn bị.

Sau buổi biểu diễn, thấy Nghệ nhân Hà Thị Cầu mệt mỏi bước ra khỏi nhà bạt, ngồi bệt xuống nền gạch; lát sau, cô người nhà cầm ghế chạy tới, hai anh khác trong đoàn dìu cụ ngồi lên. Ngay lập tức, hơn chục ống kính chĩa vào, chụp cụ ở mọi góc độ. Nghệ nhân Hà Thị Cầu ngồi yên, để tay lên đầu gối, mắt nhìn xa xa, mọi xúc cảm giấu kín sau làn da đồi mồi cùng những vết nhăn. Một lát, danh cầm Nguyễn Phú Đẹ thong thả đi ra, bên cạnh là cậu học trò cưng Phạm Đình Hoằng. Phạm Đình Hoằng vốn là một họa sĩ, tranh anh vẽ cũng bán khá chạy, và rất mê ca trù. Anh theo "hầu" thầy Đẹ đã nhiều năm.

Sau khi cùng tôi chụp ảnh lưu niệm, cụ Đẹ bảo: việc Ca trù... ra đường như thế này thì... cũng được, nó giúp cho người dân có dịp tiếp xúc, hiểu biết hơn một phần nào đó của Ca trù.

Anh Hoằng góp thêm lời: Thì ngày trước Ca trù đi từ Cửa đình đến Ca quán, còn ngày nay Ca trù từ Ca quán mà ra... đường phố, vui và phấn khởi khi người dân quan tâm đến loại hình đang dần mai một này, nhưng vẫn cảm thấy ngậm ngùi.

Là người quan sát sân khấu dân gian từ đầu đến cuối buổi, anh Minh - một người dân Hà Nội bày tỏ: "Trong lễ hội này, có sự hiện diện của hai nghệ nhân gạo cội trong làng dân ca Việt Nam là cụ Hà Thị Cầu và cụ Nguyễn Phú Đẹ. Đây là dịp hiếm có để chúng tôi tiếp xúc với hai cụ cũng như loại hình nghệ thuật truyền thống này. Hình thức tổ chức thì thú vị, nhưng không gian này thì hoàn toàn không phù hợp với Ca trù. Có lẽ thế, là một người vốn yêu và đi theo Ca trù khá lâu, tôi nhận thấy các nghệ sĩ thiếu cảm hứng nên phần nghệ thuật bị kém đi. Còn với hai nghệ nhân vốn là "báu vật nhân văn sống", tuổi đã cao, sức đã yếu, đừng nên đưa đến "đường phố". Không gian đại chúng quả tình không phù hợp với các cụ"

* Nhạc thể nghiệm bằng đế dép xốp: ấn tượng

Bên trong sân khấu thể nghiệm, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, nghệ sĩ Đào Anh Khánh "trang trí" bằng những mảng màu vàng trắng đen đỏ vẽ trên trần và chiếu video art quay quang cảnh đường phố Hà Nội.

Người chơi nhạc chính của sân khấu là anh Nguyễn Văn Thao. Xung quanh anh có khoảng gần chục nhạc cụ, phần lớn là... tự chế như: trống, đàn Klonfput của Tây Nguyên, một hộp sắt tây sơn đen bên trong đựng cát, sỏi, thủy tinh... Trên đàn guitar, Nguyễn Văn Thao lắp thêm kèn acmonica và cái micro to đùng.

Tùy cảm xúc và hứng khởi của mình để chơi từng loại nhạc cụ hoặc phối hợp cùng lúc, Thao làm khán giả say mê nghe và vỗ tay nhiệt tình tán thưởng. Lúc anh dùng thanh kim loại, mảnh gỗ gẩy đàn bầu, lúc dùng một ống ăng ten để thổi tạo tiếng chim hoặc miết lên dây đàn bầu, với đàn Klonfput, Thao đập hai... đế dép xốp lên.

Háo hức trước những nhạc cụ... khác lạ của Thao, một khán giả đề nghị lên chơi cùng, và sau đó chị cầm micro nói trước đám đông: "tôi vốn là một nghệ sĩ chơi piano, lần đầu được tiếp xúc với loại nhạc cụ này, thấy rất hay. Tôi mong mọi người hãy lên đây chơi với nghệ sĩ, trong lúc chơi, các bạn sẽ thực sự cảm thấy hưng phấn và thư giãn. Nói chung là rất tuyệt!"

Rõ ràng khác với ca trù, loại nhạc thể nghiệm này rất tuyệt vời khi đem ra...đường. Được biết, đây là lần đầu tiên Nguyễn Văn Thao được chơi ở một sân khấu âm nhạc thực sự, dù mang tính chất đường phố, trước đó, anh chỉ biểu diễn ở quán bar và đám cưới.

* * *


Vào lúc 18 giờ, hầu hết các sân khấu nhỏ tạm dừng hoạt động (trừ sân hip hop vẫn đang náo nức bởi các màn đấu), tập trung lên sân khấu chính. Giữa màn nhảy hip hop của nhóm Big Toe và vở nhạc kịch hài của đoàn Batida (Đan Mạch) một màn múa của Ca trù và tiếng hát xẩm tha thiết, day dứt của nghệ nhân Hà Thị Cầu thấy sao cứ lạc lõng, cô đơn...

Quỳnh Việt


DANH MỤC SẢN PHẨM

Hỗ trợ trực tuyến

0913 500 956 (Hữu Thủy)

ĐỐI TÁC

Ken Harmonica
Trong
Dan Piano

Video

THỐNG KÊ

Lượt truy cập: 2533296
Đang online: 9
0913500956
0913500956Facebook: Nh%E1%BA%A1c-c%E1%BB%A5-H%E1%BB%AFu-Th%E1%BB%A7y-Guitar-Store-354031244678627/Zalo: 0913500956